"5 điều bạn nên biết về CPU Intel Sandy Bridge"


Cùng tìm hiểu về thế hệ CPU tiếp theo mang tên mã Sandy Bridge của Intel.
Thực hiện đúng với chiến lược tick-tock của mình, Intel đã giới thiệu dòng chip xử lý Sandy Bridge như một con bài chiến lược trong năm 2011. Với việc lấy nền tảng từ Nehalem và một số thay đổi về kiến trúc, Sandy Bridge hứa hẹn sẽ mang đến hiệu năng xử lý mạnh mẽ và tiêu thụ ít điện năng hơn.

Trong buổi ra mắt chính thức Sandy Bridge tại Singapore vừa qua, Intel đã chứng minh khả năng xử lý của thế hệ CPU mới bằng việc cho 2 chiếc máy tính có cùng cấu hình phần cứng (chỉ khác CPU). Cụ thể, một chiếc máy tính sử dụng Core i7 thế hệ trước đó, và một chiếc sử dụng Core i7 Sandy Bridge tương đương. Kết quả là chiếc máy tính sử dụng CPU Sandy Bridge chỉ mất khoảng 14 giây để có thể chuyển đổi định dạng một file video HD, trong khi chiếc PC dùng chip thế hệ cũ mất hơn 3 phút. 

Mặc dù vậy, nhiều người dùng vẫn còn khá “mông lung” về sức mạnh cũng như khả năng của thế hệ chip Sandy Bridge mới.
Liệu tôi có thể chơi game bằng nhân xử lý đồ họa tích hợp trong Sandy Bridge? 
Trong quá khứ, những con chip xử lý hình ảnh tích hợp của Intel thường tập trung vào việc mang lại khả năng tiết kiệm điện với hiệu năng chấp nhận được. Gần đây, các sản phẩm của Intel đã tăng cường khả năng decode video chuẩn HD, và do đó bạn có thể chơi được một số game 3D, tất nhiên là ở mức thiết lập thấp. 
Đối với nhân xử lý đồ họa tích hợp trong Sandy Bridge, bạn có thể chơi được một số game như Call of Duty: Modern Warfare 2 với thiết lập trung bình và số khung hình/giây ở mức chấp nhận được. Hiển nhiên, đây là một tin tức tốt lành với người hâm mộ của thể loại game nhập vai trực tuyến (MMORPG) vì chỉ cần chip Sandy Bridge là đã quá đủ để chạy các trò chơi thuộc thể loại này.
Liệu sẽ có sự xuất hiện của Netbook hay thậm chí là máy tính bảng sử dụng Sandy Bridge?
Không có nhiều khả năng như vậy vì Sandy Bridge được thiết kế cho laptop và desktop. Lý do là vì điện năng tiêu thụ và sự tỏa nhiệt khi hoạt động. Do đó, pin trong các thiết bị nhỏ như máy tính bảng hay Netbook khó có thể đủ để duy trì hoạt động cho CPU. Những thiết bị này sẽ sử dụng nền tảng Intel Oak Trail với lượng điện năng tiêu thụ tối ưu và tỏa nhiệt thấp hơn.
Khi nào thì tôi nên nâng cấp máy tính của mình?
Với khả năng xử lý mạnh mẽ của mình, đặc biệt là trong việc decode video cũng như chỉnh sửa hình ảnh, các dòng chip Sandy Bridge là một sự nâng cấp đáng giá đối với người tiêu dùng đam mê đồ họa, multimedia, các nhiếp ảnh gia hoặc hãng làm phim.
Tuy nhiên, nếu là một người dùng cá nhân và đang sở hữu các dòng CPU thế hệ trước như Clarkdale và sở hữu một chiếc card đồ họa rời mới nhất, bạn có thể yên tâm rằng chiếc PC vẫn sẽ chạy tốt và xử lý các tác vụ ngon lành. Tuy nhiên, việc nâng cấp là tùy thuộc ở bạn. Đối với những người dùng vi tính để lướt web hoặc thao tác trên các ứng dụng văn phòng như Microsoft Office, sức mạnh của nền tảng mới cũng đáng để bạn xem xét.
Khi nào thì các dòng máy Mac sẽ sử dụng nền tảng Sandy Bridge?
Trong khi Apple vẫn chưa có thông báo gì về các sản phẩm mới của hãng, chúng ta có thể dự đoán chiếc máy Mac đầu tiên được trang bị CPU Sandy Bridge sẽ xuất hiện trong vài tháng tới đây. Sẽ thú vị hơn nữa đối với những người đang để mắt đến dòng MacBook 13.3 inch – sản phẩm vẫn đang dựa trên nền tảng Core 2 Duo và GPU Nvidia. Những sự cải tiến trong nhân đồ họa tích hợp của Sandy Bridge rất có thể sẽ khiến Apple trang bị Core i cho dòng sản phẩm MacBook này, và thậm chí còn có thể là cả MacBook Air.
Làm sao để nhận biết sự khác biệt giữa các máy tính Core i đời cũ với các máy tính dùng Sandy Bridge đời mới?
Thế hệ CPU Core I đời cũ dành cho máy tính để bàn và desktop được kí hiệu bằng 3 chữ số kèm theo hậu tố (ví dụ 520UM), trong khi CPU Core i trên nền tảng Sandy Bridge sẽ được kí hiệu bằng 4 chữ số và kèm theo hậu tố (ví dụ 2820QM). Tuy nhiên, có một cách đơn giản hơn để phân biệt máy tính sử dụng CPU Core i đời cũ hay đời mới, đó là nhìn vào logo.

Logo cũ.

Logo mới.
Theo PLTP